Bối cảnh Cách_mạng_19_tháng_4

Tổng thống Lý Thừa Vãn nhậm chức từ năm 1948, song phải đối diện với bất mãn ngày càng tăng trong nước do sự thống trị của ông đã gây hạn chế trong phát triển kinh tế và xã hội, trong khi được nhìn nhận là hủ bại khi ông sửa hiến pháp để gia hạn thời gian nắm quyền của mình.[1] Hoa Kỳ giảm viện trợ kinh tế từ mức 382.893.000$ vào năm 1957 xuống 222.204.000$ vào năm 1959. Lý Thừa Vãn cảm thấy bất ngờ và bị đe dọa do người Mỹ giảm viện trợ và ông bắt đầu dùng các biện pháp ngày càng tuyệt vọng nhằm đảm bảo sự sinh tồn chính trị của bản thân.[2] Trong tháng 12 năm 1958, ông buộc Quốc hội phải thông qua một sửa đổi luật an ninh quốc gia để trao cho chính phủ các quyền hạn mới có phạm vi rộng để áp chế tự do báo chí, nhằm ngăn chặn các thành viên của phe đối lập bỏ phiếu.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1960, có hai đảng lớn chạy đua chống Lý Thừa Vãn. Đảng Tiến bộ nhận được một triệu phiếu bầu trong bầu cử tổng thống năm 1956, với đại diện là Tào Phụng Nham (Cho Pong-am), còn đại biểu của đảng Dân chủ là Triệu Bỉnh Ngọc (Cho Pyong-ok). Trong tháng 7 năm 1959, Lý Thừa Vãn vu khống Cho Pong-am là một phần tử cộng sản, nhân vật này bị giam và nhanh chóng bị hành quyết.[3] Cho Pyong-ok đến Hoa Kỳ để phẫu thuật dạ dày, song qua đời tại đó do bị một cơn đau tim. Việc hai đối thủ của Lý Thừa Vãn đều qua đời được công chúng cho là quá mức đối với trùng hợp ngẫu nhiên, họ nhận định chúng là kết quả của hủ bại.

Đối với bầu cử riêng rẽ phó tổng thống, Lý Thừa Vãn quyết định giúp môn đồ của mình là Lý Khởi Bằng (Lee Ki-poong) đắc cử. Lee Ki-poong chạy đua cùng Trương Miễn (Chang Myon) của Đảng Dân chủ, nhân vật này là cựu đại sứ Hàn Quốc tại Hoa Kỳ trong Chiến tranh Triều Tiên. Ngày 15 tháng 3, Lee Ki-poong dù đương thời hầu như đều nằm liệt giường vẫn chiến thắng với khoảng cách rộng bất thường, được 8.225.000 phiếu, trong khi Chang Myon chỉ nhận được 1.850.000 phiếu. Quần chúng nhận thức rõ ràng rằng bầu cử có gian lận.[4] Theo một tường thuật, Đảng Dân chủ bị cấm chỉ tập hợp trên toàn quốc, và hàng trăm lá phiếu đánh dấu trước được nhét vào hòm phiếu trong ngày bầu cử.[1]